Lựa chọn tai nghe kiểm âm phù hợp là một nhu cầu thiết yếu đối với các Producer sản xuất âm nhạc. Đối với những bạn mới, sẽ có những bối rối nhất định trong việc lựa chọn tai nghe kiểm âm. Ở bài viết này, chúng mình sẽ gợi ý cho các bạn kinh nghiệm lựa chọn tai nghe kiểm âm dành cho người mới, đặc biệt gợi ý các mẫu tai nghe giá rẻ mà chất lượng vẫn rất tốt.
Lưu ý: Bài viết này được tham khảo nhiều nguồn từ nhiều Producer nổi tiếng, nhưng đó vẫn chỉ là những nhận định mang tính cá nhân, các bạn cần tham khảo thêm nhiều nguồn nữa trước khi ra quyết định.
Biết cách phân loại tai nghe kiểm âm
Thông thường, tai nghe kiểm âm sẽ được phân thành 3 loại: Closed – back, Semi – open và Open – back. Tạm dịch là tai nghe đóng, mở một nửa và tai nghe mở. Với mỗi loại tai nghe kiểm âm sẽ có những chức năng, điểm mạnh, điểm yếu riêng.
Tai nghe kiểm âm Closed – back
Tai nghe đóng là tai nghe có thiết kế kín giúp cách âm ở bên ngoài với Producer khi làm việc. Nói một cách dễ hiểu, là khi bạn đeo tai kiểm âm đóng thì bạn sẽ hoàn toàn được yên tĩnh để làm việc với âm nhạc của mình và không bị làm phiền với tiếng động bên ngoài, ngược lại những người xung quanh cũng không nghe được âm nhạc mà bạn đang làm việc. Tai nghe closed – back thường có thiết kế là một chiếc vòm nhựa kín tiếp xúc với tai của bạn bằng một lớp xốp bọc nhung hoặc giả da. Closed – Back rất phù hợp cho mục đích làm tai nghe thu âm.
Các tai nghe kiểm âm đóng thường sẽ có công nghệ “noise – cancelling” (công nghệ chống ồn) giúp cách âm với âm thanh bên ngoài. Ngoài ra, với thiết kế đặc biệt cũng giúp cho tai kiểm âm đóng có thể loại bỏ 10 db tiếng ồn giúp bạn giống như một người “điếc” với mọi người xung quanh. Cũng bởi những ưu điểm này nên tai kiểm âm đóng sẽ rất phù hợp để thu âm. Ngoài ra, tai kiểm âm closed – back cũng nghe được những chi tiết tốt hơn tai nghe open – back. Nếu so sánh với một tai kiểm âm open cùng loại cùng phân khúc giá, thì tai kiểm âm đóng thường sẽ rẻ hơn so với tai open cùng loại.
Mặc dù vậy. tai kiểm âm đóng cũng có những khuyết điểm nhất định. Thông thường các cửa hàng sẽ không nói quá rõ về những khuyết điểm này nếu như bạn không tìm hiểu, dẫn đến bạn mua phải tai nghe không hợp với mục đích sử dụng của bạn. Điểm bất lợi đầu tiên khi sử dụng tai kiểm âm đóng, đó là bạn đeo lâu sẽ bị mỏi tai. Thiết kế kín của tai kiểm đóng giúp bạn cách âm hoàn toàn với bên ngoài, nhưng nó cũng tạo một lực ép lớn lên tai nên đeo lâu sẽ khiến bạn bị đau tai. Cũng bởi thiết kế đóng nên khi nghe qua tai kiểm đóng, dải tần Bass thường bị nổi trội hơn các dải tần khác. Âm trường (stereo image) của tai đóng cũng hẹp hơn so với tai mở. Ngoài ra, tai kiểm âm đóng cũng mô phỏng một không gian kín quá lý tưởng, nên phần không gian của tai kiểm âm đóng sẽ không được thực tế so với nghe qua tai kiểm mở hoặc qua loa kiểm âm. Do đó, tai nghe Closed – Back cũng có thể sử dụng để Mixing nhưng không thực sự thoải mái.
Tai nghe kiểm âm Open – back
Ngược lại với tai kiểm đóng, tai kiểm mở có thiết kế thoáng hơn với những khe hở trên phần nắp của củ tai giúp cho không khí lọt vào qua các khe hở này. Cũng bởi thiết kế này, tai kiểm mở cũng có âm trường rộng nhất và dải tần treble cũng đẹp nhất trong ba loại. Nếu như tai kiểm đóng tạo ra trải nghiệm âm nhạc được phát ra ở trong đầu bạn, thì tai kiểm âm mở tạo ra cảm giác âm nhạc ở xung quanh bạn. Ngoài ra, tai kiểm Open – back cũng thích hợp để Mixing hơn vì đeo lâu sẽ không bị mỏi và trải nghiệm âm thanh sẽ tốt hơn so với tai nghe kiểm âm closed – back.
Tai nghe mở có rất nhiều phân khúc và giá, những tai nghe mở có giá cao hơn thường có độ chi tiết về Low End và High End tốt hơn nhiều. Tai nghe Open – Back rất phù hợp để Mixing, Mastering.
Tuy nhiên, tai nghe mở cũng có một số khuyết điểm bạn cần lưu ý. Thông thường, phần chi tiết của tai mở sẽ không rõ ràng được như tai kiểm đóng. Âm lượng cũng nhỏ hơn và dải tần Bass cũng sẽ yếu hơn so với tai kiểm đóng. Điểm yếu lớn nhất của tai kiểm open – back chính là phần cách âm là cực kém. Tai kiểm mở sẽ không phải lựa chọn tốt cho việc thu âm của bạn.
Tai nghe kiểm âm Semi – Open
Tai nghe mở một phần sẽ là sự kết hợp những đặc điểm trung tính của tai kiểm đóng và mở. Bạn sẽ không bị ép tai quá nhiều, làm nhạc lâu sẽ không quá mỏi tai và âm thanh lọt ra cũng không quá nhiều. Dải tần cân bằng, âm trường vừa đủ và chi tiết cũng vừa phải. Giá của tai kiểm âm Semi – Open cũng rẻ hơn so với tai kiểm Open và đắt hơn một chút so với tai kiểm Close – back. Tuy nhiên, tai kiểm mở một phần này lại có ít lựa chọn hơn so với hai loại trên.
Semi – Open thường không thích hợp để thu âm Vocal mà nó sẽ thích hợp hơn đẻ thu âm nhạc cụ. Nếu để dùng Mixing thì Semi – Open sẽ có âm thanh cân bằng hơn so với tai nghe đóng.
So sánh 3 loại tai kiểm âm
Dưới đây là bảng so sánh của 3 loại tai kiểm âm giúp cho bạn lựa chọn một cách dễ dàng hơn
Tai kiểm Closed – back | Tai kiểm Open – back | |
Cách âm | Tốt | Không tốt |
Thu âm | Phù hợp | Không phù hợp |
Mỏi tai | Có | Đỡ hơn |
Chi tiết | Tốt hơn | Không chi tiết bằng |
Âm trường | Hẹp | Rộng |
Trải nghiệm âm thanh | Không tốt bằng | Tốt hơn |
Giá | Rẻ hơn | Đắt hơn |
Trở kháng tai nghe
Ngoài những tìm hiểu về loại tai nghe kiểm âm mà bạn vừa biết ở trên, bạn sẽ cần tìm hiểu về trở kháng tai nghe. Trở kháng tai nghe được ký hiệu với giá trị là ohm. Với tai nghe có số ohm thấp (tầm 32 ohm), bạn có thể kết nối trực tiếp tai kiểm âm vào máy tính hoặc laptop di động luôn để bắt đầu làm việc. Với các tai nghe có số ohm cao hơn (ví dụ 250 ohm) bạn sẽ cần kết nối soundcard để có thể sử dụng được tai nghe ấy, giúp bạn nghe rõ được dải tần, dynamic range. Nói một cách dễ hiểu, độ trở kháng càng cao thì điện áp nguồn chúng cần càng cao.
Với tai nghe trở kháng thấp thường sẽ có chất lượng kém hơn, không thể tạo được âm thanh chính xác so với tai nghe trở kháng cao. Và tai nghe trở kháng cao thì lại cần có thiết bị chuyên dụng để sử dụng. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng một tai kiểm âm 32 ohm, mà là một tai kiểm âm tốt, thì nó vẫn đáp ứng đủ yêu cầu cơ bản của một tai nghe thương mại hiện nay.
Tổng kết
Trên đây là những gợi ý và những kiến thức cơ bản, giúp bạn lựa chọn tai nghe kiểm âm được tốt hơn và dễ dàng hơn. Tất nhiên là càng nâng cấp hơn, bạn sẽ càng có nhiều lựa chọn tốt hơn, bạn cũng có thể sẽ cần sắm thêm soundcard và cả loa kiểm âm nữa (hay thậm chí là làm lại phòng studio của bạn). Chúng tôi rất hy vọng với những gợi ý này, những bạn mới có thể lựa chọn được thiết bị làm nhạc phù hợp hơn cho công việc của mình.